Có nên thả 9 con hổ còn sống sau vụ “giải cứu” về tự nhiên?

0
98
Có nên thả 9 con hổ còn sống sau vụ giải cứu về tự nhiên? - 1

Theo chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã, trên thế giới chưa có quốc gia nào sau khi giải cứu hổ bị nuôi nhốt lại thả về với tự nhiên. Do đó, số hổ được giải cứu ở Nghệ An không nên thả về tự nhiên.

Không thể thả về tự nhiên

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An vừa giải cứu 17 con hổ bị nuôi nhốt trái phép tại 2 hộ dân trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). 

Trong quá trình giải cứu, lực lượng chức năng đã sử dụng thuốc gây mê để vận chuyển hổ đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm gửi chăm sóc trong thời gian phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, đã có 8/17 cá thể hổ bị chết bất thường. Số hổ chết đã được cơ quan chức năng cấp đông để bảo quản nguyên vẹn, phục vụ công tác điều tra. 9 con hổ còn lại được cho là đang hồi phục sức khỏe tốt.

Có nên thả 9 con hổ còn sống sau vụ giải cứu về tự nhiên? - 1

Hổ nuôi trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành vừa được Công an tỉnh Nghệ An triệt phá thành công. (Ảnh: Nguyễn Duy).

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi  với phóng viên Dân trí, Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cho biết, về mặt “phúc lợi động vật”, ông Thái chia sẻ cảm thấy rất buồn vì số hổ được giải cứu bị chết, nhưng về mặt bảo tồn thì lại không ảnh hưởng.

Ông Thái giải thích, theo suy nghĩ của nhiều người, lực lượng chức năng sau khi giải cứu số hổ bị nuôi nhốt trên sẽ tái thả chúng về với thiên nhiên. Nhưng thực tế, trên thế giới chưa bất kỳ quốc gia nào có thể tái thả hổ từ nuôi nhốt trái phép, hoặc sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt.

Cụ thể, theo ông Thái, hổ là động vật ở “thượng tầng” trên cùng của chuỗi thức ăn, nó cần có kỹ năng sinh tồn như chạy, săn bắt con mồi. Trong môi trường nuôi nhốt, hổ đã mất hết bản năng hoang dã. Hổ sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt thì không có được bản năng hoang dã để có thể sống sót ở ngoài tự nhiên. Chính vì vậy, việc tái thả hổ ngoài tự nhiên là không khả thi và gần như hổ sẽ bị chết.

Ngoài ra, hổ có khả năng tấn công người, khi hổ nuôi nhốt đã gần người rồi, thả ra ngoài tự nhiên, “cơ hội” hổ tìm kiếm đến khu vực có người là rất lớn. Vì thế không có bất kỳ tổ chức, hay cá nhân nào dám đem tính mạng của người ra “đùa giỡn”. Ông Thái khẳng định không ai dám đem hổ đã được nuôi, thuần chủng thả về tự nhiên.

“Đó là lý do mà số hổ được giải cứu ở Nghệ An chắc chắn sẽ không được tái thả về với tự nhiên”, ông Thái nói.

Về giải pháp cho số hổ được giải cứu nói trên, ông Thái cho biết, cơ quan chức năng phải tìm được vườn thú, những nơi rất rộng rãi để cho hổ sinh sống suốt cuộc đời tại đó một cách tốt nhất. Nhưng tại Việt Nam, các vườn thú có đủ điều kiện để “cưu mang” số hổ này rất là ít, gần như các vườn đã đủ số hổ rồi, không muốn nhận thêm số lượng lớn nữa. Nuôi hổ rất tốn kém, do đó, các cơ sở luôn cân nhắc rất kỹ trước khi đồng ý nhận thêm hổ về nuôi.

Theo ông Thái, trong quá trình nuôi hổ, các đối tượng nuôi nhưng không có kiểm soát nên nguồn gen đã bị thoái hóa do sinh sản cận huyết rất nhiều.

Có nên thả 9 con hổ còn sống sau vụ giải cứu về tự nhiên? - 2

Trong số 17 con hổ được “giải cứu” ở Nghệ An thì có 8 con đã chết. (Ảnh:  Nguyễn Duy).

Ông Thái cho rằng, giải cứu được hổ và muốn chúng sống thì ai cũng mong muốn. “Trong chuyên án này tôi biết là lực lượng chức năng cũng chịu nhiều áp lực, như làm sao giải cứu hổ nhanh nhất, làm thế nào để chúng sống được. Việc để số hổ giải cứu chết theo tôi là không có lỗi của lực lượng chức năng”, ông Thái nói thêm.

An tử nhân đạo?

Theo ông Thái, nếu không tìm được trung tâm nào nhận nuôi số hổ này để phục vụ mục đích du lịch, giáo dục… thì việc “an tử nhân đạo”, để những con hổ này không phải chịu cuộc sống tù tội, cũng là hình thức giải thoát cho hổ.

Cuối cùng ông Thái cho rằng, trong vụ án trên, nếu lực lượng chức năng phải tiêu hủy số hổ công khai cũng sẽ là thông điệp bảo tồn tốt. Vì muốn bảo vệ được hổ, chúng ta cần phải ngăn chặn được hành vi sử dụng sản phẩm từ hổ cũng như  hành vi buôn bán, vận chuyển hổ trái phép.

“Mọi người sẽ nghĩ tiêu hủy hổ là lãng phí, nhưng mọi người không nhìn thấy tầm nhìn dài hạn. Hơn 10 năm trước, nhà nước đã có quy định cấm nuôi hổ dưới mọi hình thức, nhưng vô tình chúng ta vẫn cấp phép cho một số trang trại nuôi.  Nhưng thử hỏi, có ai cứ tự bỏ hàng tỷ đồng ra nuôi hổ mà không bán, không làm gì không? Chắc chắn là không. Nếu cứ cho nuôi thì chắc chắn sẽ vẫn duy trì hành vi sử dụng sản phẩm từ hổ trái phép”, ông Thái nói thêm.

Cũng liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đối với các cá thể hổ trưởng thành còn sống vừa được giải cứu tại Nghệ An, cần cân nhắc kỹ phương án thả lại về môi trường tự nhiên.

Bởi theo ông Hiệu, số hổ trên được nuôi nhốt quá lâu, mất tập tính săn mồi, do đó cần đưa vào trung tâm cứu hộ đủ điều kiện nuôi nhốt theo quy định của pháp luật để chăm sóc, phục hồi, sau đó đánh giá khả năng có thể tái thả về tự nhiên khi điều kiện cho phép.

Nguyễn Dương