8 con hổ bị chết sau “giải cứu” sẽ được xử lý như thế nào?

0
194
8 con hổ bị chết sau giải cứu sẽ được xử lý như thế nào? - 1

Liên quan đến vụ 8 con hổ bị chết sau khi được giải cứu ở Nghệ An, đại diện Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có trao đổi với phóng viên Dân trí về hướng xử lý số hổ chết này.

8 con hổ bị chết sau giải cứu sẽ xử lý như thế nào?

Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An vừa giải cứu 17 con hổ đang bị nuôi nhốt trái phép tại 2 hộ dân trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). 

Trong quá trình giải cứu, lực lượng chức năng đã sử dụng thuốc gây mê để vận chuyển hổ đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm gửi chăm sóc trong thời gian phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, đã có 8/17 cá thể hổ bị chết bất thường. Số hổ chết đã được cơ quan chức năng cấp đông để bảo quản nguyên vẹn, phục vụ công tác điều tra.

8 con hổ bị chết sau giải cứu sẽ được xử lý như thế nào? - 1

Trong số 17 con hổ được “giải cứu” thì có 8 con đã chết. (Ảnh:  Nguyễn Duy).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đối với 8 con hổ đã bị chết sau giải cứu, theo quy định cơ quan điều tra, cơ quan xử lý sẽ tạm giữ để bảo quản mẫu vật, lấy mẫu giám định.

Nếu cơ quan tạm giữ không có điều kiện bảo quản thì chuyển giao các cá thể hổ bị chết cho cơ sở có điều kiện để bảo quản trong thời gian chờ quyết định xử lý của người có thẩm quyền.

Về hình thức xử lý 8 con hổ đã chết, theo ông Hiệu, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét chuyển giao cho các vườn động vật hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để bảo tồn, trưng bày vì mục đích giáo dục bảo tồn…

Trong trường hợp các mẫu vật mang dịch bệnh buộc phải tiêu hủy thì tiến hành tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

8 con hổ bị chết sau giải cứu sẽ được xử lý như thế nào? - 2

Hổ nuôi trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành vừa được Công an tỉnh Nghệ An triệt phá thành công. (Ảnh: Nguyễn Duy).

Cân nhắc kỹ phương án thả hổ về môi trường tự nhiên

Đối với số hổ còn sống, theo ông Hiệu, quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), hổ thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị  định số 160/2013/NĐ-CP, đồng thời là loài thuộc nhóm IB theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và thuộc Phụ lục I Công ước CITES.

Theo đó, hổ được pháp luật bảo vệ, nghiêm cấm khai thác, buôn bán, sử dụng, xuất khẩu, nhập khẩu vì mục đích thương mại. Hành vi nuôi, nhốt hổ trái pháp luật sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 15/11/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, và quy định tại Thông tư số 29/2019/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng; động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp Nhà nước (Thông tư số 29/2019/TT-BNNPT), hướng xử lý các cá thể hổ trong vụ việc này thực hiện như sau:

Trong thời điểm tạm giữ, cơ quan Công an tạm giữ các cá thể hổ là vật chứng của vụ án hình sự có trách nhiệm nuôi dưỡng các cá thể còn sống, bảo quản các cá thể hổ đã chết. Trường hợp cơ quan tạm giữ không có điều kiện nuôi dưỡng, bảo quản thì chuyển giao các cá thể hổ cho cơ sở có điều kiện để nuôi dưỡng, bảo quản trong thời gian chờ quyết định xử lý của người có thẩm quyền.

8 con hổ bị chết sau giải cứu sẽ được xử lý như thế nào? - 3

Người dân hiếu kỳ kéo đến xem lực lượng chức năng đưa 17 con hổ ra khỏi hầm nuôi nhốt nhà dân. (Ảnh: Nguyễn Duy).

Ông Hiệu cũng cho biết, quy định của pháp luật quy định rõ về việc xử lý vật chứng là động vật rừng. Theo đó, tùy theo tình trạng sức khỏe của động vật, cơ quan có thẩm quyền xử lý vật chứng sẽ có quyết định xử lý vật chứng phù hợp theo các hình thức, như: thả lại về môi trường tự nhiên; nếu các cá thể hổ bị thương, ốm yếu thì chuyển đến các trung tâm cứu hộ… Các cơ quan, đơn vị tiếp nhận có trách nhiệm xử lý các cá thể động vật theo các hình thức ghi trong quyết định xử lý vật chứng.

“Riêng đối với các cá thể hổ trưởng thành còn sống vừa được giải cứu tại Nghệ An, cần cân nhắc kỹ phương án thả lại về môi trường tự nhiên. Bởi số hổ này được nuôi nhốt quá lâu, mất tập tính săn mồi, do đó cần đưa vào trung tâm cứu hộ đủ điều kiện nuôi nhốt theo quy định của pháp luật để chăm sóc, phục hồi, sau đó đánh giá khả năng có thể tái thả về tự nhiên khi điều kiện cho phép”, ông Hiệu nói thêm.

Nguyễn Dương